Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh 

​     cố T​hủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt    ( 23/11/1922-23/11/2022)

​         Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ngày 23 tháng 12 năm 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và có ý thức chống áp bức cường quyền, ông  đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, tham gia hoạt động giải phóng dân tộc từ rất sớm ở tuổi 16.

 

 Ảnh thủ tướng.jfif

                                                                   Thủ tướng Võ Văn Kiệt

          Ông là con người của hành động, dám nghĩ, dám làm, gần dân, hết lòng vì đất nước, vì nhân dân, lấy mục tiêu lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Ông luôn tỏa sáng ở những vị trí khác nhau ở địa phương và trung ương, đặc biệt là khi ông đảm nhận cương vị người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1991 đến năm 1997, với những công trình quan trọng có tác dụng lan tỏa và mang dấu ấn đậm nét sự lãnh đạo đột phá của ông, như đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hòa Lạc, đường dây truyền tải điện 500 KV Bắc Nam, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất.

 

                        vvk.jpg

                         ​Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc Nam

             Trong lĩnh vực đối ngoại, trên các cương vị lãnh đạo Chính phủ trong những năm đầu mở cửa và hội nhập của các thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20,  Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở và độc lập tự chủ, thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với cộng đồng quốc tế, phá thế bao vây cấm vận, tăng cường quan hệ với các bạn bè truyền thống và các đối tác khác nhau, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam; liên kết kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới (với ASEAN, Nhật Bản và EU); tăng cường hòa giải và đại đoàn kết dân tộc, gắn kết kiều bào Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.. 

              Ông đã góp phần quan trọng hình thành định hướng chiến lược và triển khai  công cuộc mở cửa, hội nhập của Việt Nam, khơi dậy và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vì lợi ích dân tộc, vì phúc lợi của người dân, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phục vụ hiệu quả cho công cuộc tái thiết đất nước, từng bước đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp và là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. 

              Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận vai trò này của ông, như tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2008: "Là một động lực quan trọng thúc đẩy cải cách kinh tế ở Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 80, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường để đất nước chuyển đổi từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Trong thời kỳ làm Thủ tướng từ năm 1991 đến 1997, ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước".

                                                                  thủ tướng gặp thủ tướng nhật bản.jpg          

                         Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa (1993)

            Với các nước Bắc Âu, ông là người ủng hộ nhiệt thành việc duy trì và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, bạn bè truyền thống ở khu vực này.

                   thủ tướng yết kiến nhà vua Nauy.jpg

                                  Thủ tướng Võ Văn Kiệt yết kiến Nhà Vua Na Uy Harald V (1995)

                  thủ tướng gặp thủ tướng nauy 1.jpg

                              Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland (1995)                               

        Trong quan hệ song phương Việt Nam và Na Uy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những hoạt động và đóng góp đáng kể. Ông là Thủ tướng Chính phủ thứ hai của nước Việt Nam thống nhất (sau chuyến thăm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1977) đến thăm chính thức Vương quốc Na Uy năm 1995 và Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland đã thăm đáp lại năm 1996, chính thức mở Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội. Trong khoảng thời gian từ 1995 đến 1997, hai nước đã ký một loạt hiệp định song phương quan trọng, như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và trốn lậu thuế; Hiệp định về các điều khoản và thủ tục chung cho hợp tác phát triển; Hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại và Hiệp định vận chuyển hàng không, đặt nền móng quan trọng cho việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ hỗ trợ, hợp tác nhiều mặt và hiệu quả giữa 2 nước trong hơn 50 năm qua./.

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​